Biến chứng nâng ngực là gì? Có nguy hiểm không? Đây hẳn là những câu hỏi được rất nhiều chị em quan tâm trước và sau khi nâng ngực. Dẫu biết làm đẹp là đặc quyền của phái nữ, nhưng vì có sắc mà mang tật thì thật không đáng. Buồn thay trước thực trạng nhiều chị em sau khi nâng ngực ở phòng khám chui, giá rẻ thì biến chứng đầy mình. Xin hãy tỉnh táo chọn lựa để không trở thành con mồi béo bở, rồi tiền mất tật mang, sức khỏe sa sút. Bài viết sau đây Thẩm Mỹ Viện UpV1 xin cảnh báo về những biến chứng có thể gặp sau nâng ngực.
Biến chứng sau nâng ngực cần biết?
Phẫu thuật nâng ngực được biết đến như một cứu tinh giúp tái tạo mô vú đã mất, khôi phục dáng ngực, tăng kích thước vòng một với vật liệu độn là túi nâng ngực đã được FDA phê duyệt.. Nhưng thành hay bại thì dựa vào nhiều yếu tố và vì là thủ thuật can thiệp vào cơ thể nên ít nhiều sẽ có những phản ứng. Có hiện tượng là sinh lí bình thường nhưng đôi khi lại báo cho ta biến chứng nghiêm trọng tránh lơ là.
Đầu tiên xin kể đến vài phản ứng bình thường của cơ thể trước vật thể lạ là túi nâng ngực và sau hàng giờ can thiệp dao kéo, đó chính là đau nhức và bầm tím. Cả hai đều là phản ứng sinh lý tự vệ trước sự xâm phạm vào khoang ngực: nỗi đau do cắt xẻ và bầm tím vùng bóc tách khoang. Nếu chườm lạnh, uống thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc cẩn thận sẽ hết dần trong 01 tuần.
Còn dưới đây là những cảnh báo về dấu hiệu nguy hiểm, đe dọa mô vú và ảnh hưởng sức khỏe đã vượt ra ngoài sinh lý bình thường, gọi là biến chứng của phẫu thuật nâng ngực. Các biến chứng sau mổ 5-7 ngày là có thể thấy rõ gọi là biến chứng gần nhưng có những biểu hiện phải rất lâu sau mới ập đến, ta gọi là biến chứng xa.
Biến chứng nâng ngực gần
Tuần đầu sau mổ rất quan trọng vì những biến đổi thích nghi với vật liệu nâng ngực của cơ thể là không giống nhau. Một khi triệu chứng vượt quá phạm vi sinh lý bình thường trên mà thuốc và chăm sóc không cải thiện được thì chị em nên phản ánh ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Nhiễm trùng
Dấu hiệu sớm nhất có thể nhận biết về việc nhiễm trùng vết mổ đó chính là vài cơn sốt gai người ập đến, bạn thấy sưng đau vùng ngực, nóng ran, và tấy đỏ. Nặng hơn bạn sẽ thấy chảy rỉ dịch viêm có màu vàng, đục, vết khâu lâu lành.
Đây là khi cơ thể huy động hệ miễn dịch tự nhiên vây đánh vật thể lạ với mình là túi nâng ngực. Đó có thể là vi khuẩn xâm nhập khoang ngực của bạn trong quá trình phẫu thuật hoặc sau mổ vệ sinh không đảm bảo.
Cách phòng tránh: Để hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm sau mổ thì chị em nên tìm hiểu kỹ, tin dùng sản phẩm túi nâng ngực chất lượng, an toàn, đăng ký cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật uy tín và quá trình vệ sinh, chăm sóc vết mổ phải sạch sẽ, cẩn thận. Uống thuốc kháng sinh, kháng viêm đúng liều, đủ lượng theo toa.
Đau dữ dội, dai dẳng
Cảm giác đau nhức vùng ngực là không tránh khỏi bởi da, thịt ta vừa trải qua can thiệp dao kéo. Việc gây mê và thuốc tê chỉ giúp chị em tránh được cơn đau trong lúc phẫu thuật và khi hết tác dụng, cơn đau sẽ ập đến như một tín hiệu báo động vị trí tổn thương. Cơn đau có thể xuất hiện lúc thay đổi tư thế hoặc va chạm vùng ngực, nặng hơn thì đau âm ỉ mọi lúc, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Nếu cơn đau ngày càng tăng, không có dấu hiệu suy giảm sau 10 ngày, dù đã chườm lạnh, uống thuốc giảm đau đúng liều đúng lượng như kê toa thì nguy cơ cao đây không còn là hiện tượng sinh lý bình thường, mà liên quan tình trạng viêm nhiễm hay co thắt bao xơ, chị em nên đến tái khám ngay tại cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật.
Cách phòng tránh: Không gì tốt hơn là theo dõi tính chất cơn đau để hạn chế, xảy ra lúc nào, có liên quan đến hoạt động làm việc hay tư thế sai lệch không. Và việc tuân thủ uống thuốc, chăm sóc theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng rất quan trọng.
Thông khe
Đây là hiện tượng xảy ra khi hai khoang đặt túi ngực quá sát nhau hoặc do túi nâng ngực lớn hơn nhiều, không cân xứng với nền ngực. Khách hàng sẽ thấy khoảng cách giữa hai bầu ngực quá gần và không phân rõ khe ngực trong khi mô cơ ngực sau 2 tuần phẫu thuật đã dần ổn định.
Cách phòng tránh: Nên được tư vấn kích cỡ túi ngực phù hợp, cân đối với cơ thể, căn chỉnh hợp lý khoang đặt túi và nếu có thông khe ngực xảy ra thì nguy cơ cao chị em phải phẫu thuật lần nữa để điều chỉnh khoang ngực vừa vặn, sửa túi độn.
Lệch túi
Một khi chị em nhận thấy bầu ngực hai bên sai lệch so với vị trí ban đầu đã định sẵn thì khả năng cao là túi nâng ngực đã bị lệch. Trường hợp túi được đặt sai ngay từ khi phẫu thuật thì ngay sau đó, bác sĩ sẽ nhận ra sự khác biệt. Nhưng nếu vì va đập hay vận động mạnh mà túi ngực bên trong xô lệch thì nghĩ nhiều do độ bám dính của túi không chắc.
Cách phòng tránh: Để tránh được tai nạn hy hữu này thì nhiều cơ sở khuyên dùng áo lót định hình trong thời gian đầu sau mổ để duy trì dáng ngực và ổn định vị trí túi. Tệ hơn là sau mổ vài tuần mới có lệch túi nâng thì chị em phải mổ lại để chỉnh sửa.
Lộ túi
Ở những cô nàng “ngực lép” với nền da mỏng, ít mô vú sau khi tham gia quy trình cấy vật liệu độn thì dễ để lộ dấu hiệu túi ngực: có nếp túi, gợn sóng, túi căng to không tự nhiên. Ngày nay, vấn đề lộ túi ít gặp hơn vì dòng túi nâng ngực nước muối đã không còn sử dụng nhiều.
Vì tính chất lỏng lẻo của chất độn trên nên túi loại này có thể tạo nếp hay gợn sóng trên bề mặt vú. Túi rất dễ lộ và có phần không tự nhiên. Ngoài ra, việc cấy túi độn ngay trên cơ ngực ở một số người cũng dễ thấy hình dáng túi ngực lấp ló.
Cách phòng tránh: Dùng đúng size túi ngực, ưu tiên loại túi nâng ngực dạng gel, bề mặt trơn cho bạn bầu vú căng tròn, mềm mại như thật, và tùy từng trường hợp cụ thể mà chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Không đều
Trường hợp nhiều chị em có cơ địa hai bên ngực không đều thì thường được khuyên dùng hai túi độn với size khác nhau để cân đối kích thước hai bên vú. Tuy nhiên, lựa chọn chênh lệch nhiều sẽ dễ dẫn đến độ nhô của ngực, vị trí núm vú không cân xứng. Ngực bên to bên nhỏ sẽ làm chị em mất niềm tin vào chất lượng và hiệu quả của phẫu thuật nâng ngực.
Cách phòng tránh: Lựa chọn khôn ngoan size túi ngực phù hợp với cơ thể và phải cân đối hai bên.
Không cân xứng
Phát hiện sớm sự mất cân xứng ở hai bên vú, bạn càng sớm được điều chỉnh và cân bằng dáng ngực. Có thể sai phạm trong lúc đưa túi vào khoang ngực mà túi lệch trái hoặc phải nhiều hơn dẫn đến bầu ngực và đầu vú sai lệch. Hoặc việc đo đạc không hợp lý làm cho vị trí đặt túi bên cao bên thấp, khập khiễng và mất thẩm mỹ. Hoặc vốn bề mặt túi không bám tốt nhưng bạn lại vận động mạnh làm túi di lệch.
Cách phòng tránh: Nếu sai lệch không nhiều và chỉ mới xuất hiện ngay sau mổ, bạn có thể tin dùng áo định hình để hỗ trợ. Nếu sau một thời gian dài mới xuất hiện và di lệch nhanh, nhiều, bạn nên đến cơ sở y tế đã phẫu thuật nhờ tư vấn.
Biến chứng nâng ngực xa
Khi đã qua được giai đoạn đầu và quen dần với bầu ngực mới, người ta càng dễ buông bỏ cảnh giác hơn. Nhưng sau nhiều tháng hoặc vài năm đeo túi ngực, những biến chứng sau có thể xảy ra không báo trước.
Xệ ngực
Lâu dần, ở những chị em ham thích túi nâng ngực size quá lớn so với nền ngực thì dây chằng vùng này, mô cơ ngực không đủ sức nâng đỡ. Túi độn dần tụt xuống làm bầu ngực chảy xệ, chân ngực thấp dần, núm vú chúc xuống. Hoặc trong quá trình phẫu thuật, các cấu trúc nâng đỡ trên bị tổn thương do bóc tách quá mức để bộc lộ khoang đặt túi.
Cách phòng tránh: Chọn túi nâng ngực có kích cỡ phù hợp, cơ sở phẫu thuật uy tín, tay nghề cao. Nếu đã có hiện tượng chảy xệ thì bạn nên trở lại phòng mổ để sửa chữa và khôi phục dáng ngực như ý.
Lộ túi
Ngoài việc lộ túi trong thời gian đầu thì sau một thời gian dài sử dụng, túi nâng có thể trễ xuống hoặc sai lệch vị trí ban đầu, làm lộ đường viền túi trên bề mặt da. Có thể do quá trình tập luyện, sinh hoạt quá độ kết hợp với mô cơ, dây chằng nâng đỡ không đủ khả năng như trường hợp ngực chảy xệ.
Nếu như túi độn xuống thấp bởi các liên kết neo giữ túi ngày càng lỏng lẻo, trên bầu vú sẽ thấy đường nếp gấp sâu, phân định phần túi bị lọt thỏm bên dưới còn mô vú bình thường ở trên. Còn nếu túi độn đi lên cao do bao xơ co kéo ở những người có nền ngực đã chảy xệ thì nếp gấp lại thấy ở ranh giới phía trên bầu ngực.
Cách phòng tránh: Chăm chỉ đeo áo định hình và làm việc khoa học, vận động nhẹ nhàng sẽ giúp hạn chế tình trạng trên. Nếu sai lệch quá rõ ràng và ảnh hưởng nhiều chất lượng sống thì nên mổ lại, bóc tách khối bao xơ và cố định vị trí túi ngực.
Bao xơ co thắt
Vốn là một phản ứng tự nhiên của cơ thể trước vật thể lạ, khi phát hiện mô cấy ghép nhân tạo trong mình, một lớp bao xơ mỏng dần hình thành để khu trú kẻ địch. Càng để lâu thì lớp bao càng dày, và phụ thuộc vào thành phần vật thể lạ đó là gì mà mức độ phản ứng của cơ thể sẽ khác nhau.
Tình trạng này chiếm tỉ lệ 15-20% ở phụ nữ nhiều năm sau phẫu thuật nâng ngực.Trở lại ngày còn dùng túi nâng ngực nước muối, khi túi chẳng may rĩ vỡ, thành phần vô trùng bên trong sẽ nhanh chóng được hấp thụ hoàn toàn, ít gây co thắt bao xơ.
Còn khi chuyển qua dòng túi độn bằng gel silicone đời đầu, một khi khuếch tán qua vỏ túi, phân tử silicon bám xung quanh và kích thích cơ thể phản ứng chống lại kẻ lạ mặt. Khi ấy, bao xơ nhanh chóng thành hình, gây căng cứng, biến dạng mô xung quanh, đau nhức cho chị em. Và một khi có tình trạng viêm nhiễm kéo dài, tụ máu không được xử lý thì nguy cơ co thắt bao xơ lại càng cao.
Cách phòng tránh: Ngay từ đầu phải được tư vấn đầy đủ về thành phần túi an toàn lành tính, theo dõi tái khám thường xuyên để phát hiện kịp thời tình trạng căng cứng, đau nhức bất thường. Dựa vào tình trạng co thắt mà bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt lọc lớp xơ xung quanh túi độn và dùng vật liệu thay thế lành tính, an toàn hơn.
Rạn da
Rạn da tưởng chừng như biến chứng dễ chịu nhất, nhưng lại làm mất thẩm mỹ cho bầu ngực mới căng tràn của chị em. Có thể dễ dàng phát hiện khi có vết lõm trắng, hồng, đứt đoạn, nổi trên mặt da, không đau, không sưng tấy.
Với cấu tạo từ các sợi collagen và elastin, mô liên kết dưới da nắm giữ vai trò chính trong việc đảm bảo tính đàn hồi cho da. Sau thời gian dài phải căng giãn để bao trọn bầu ngực mới tròn đầy cho chủ nhân, mô liên kết không theo kịp mà dần đứt gãy, đôi ba vết lõm xuất hiện, chằng chịt màu trắng, màu hồng gây nên hiện tượng rạn da.
Cách phòng tránh: Không gì tốt bằng bổ sung và kích thích tạo nhiều collagen và elastin giúp mô liên kết dưới da được hồi phục. Nhiều người tin dùng sản phẩm kem bôi với thành phần trên cộng thêm các phụ chất dưỡng da. Ngoài ra công nghệ trị rạn da Lastin mới nhất thì kích thích cơ thể tự sản sinh hai thành phần trên với số lượng lớn.
Ung thư
Đáng buồn trước thực tế trong 8 năm kể từ 30/09/2018, FDA Hoa Kỳ đã xác nhận số người mắc ung thư sau phẫu thuật nâng ngực là 457, và 9 người trong số đó đã chết. Ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ liên quan tới độn ngực được gọi tên và viết tắt là BIA-ALCL.
Tế bào Lympho chính là một người lính trong hàng rào miễn dịch của cơ thể ta, và khi chúng tăng sinh không kiểm soát trong các mô sẹo hoặc dịch rỉ viêm quanh khu vực phẫu thuật thì ung thư thành hình. Biểu hiện sớm mà bệnh nhân có thể thấy được là vùng ngực sau phẫu thuật sưng đau bất thường, vón cục và sức khỏe giảm sút.
Chưa có công bố chính thức nguyên nhân chính gây nên loại bệnh này từ túi nâng ngực nhưng một dòng túi nổi tiếng ở thập kỷ trước là Allergan đã bị cơ quan chức năng Pháp bài trừ và nghiêm cấm sử dụng bởi số trường hợp liên quan đến Allergan bị ung thư chiếm tỷ lệ cao.
Cách phòng tránh: Thường xuyên tái khám sau mổ nhất là khi có dấu hiệu bất thường tại cơ sở y tế để phòng ngừa nguy cơ bị ung thư BIA-ALCL. Tìm hiểu kĩ chất lượng sản phẩm độn ngực trước khi tiến hành là việc làm khôn ngoan.
Vỡ túi, rách bao
Khác với dòng túi ngực có chất độn là nước muối, dòng túi phổ biến hiện nay là silicon ít bị nứt, vỡ hơn. Vì ở dạng gel, kết dính tốt nên khi vỡ, silicon không ồ ạt chảy ra mà từ từ tan chậm trong nhiều tháng vào mô vú xung quanh, dần dà gây kích ứng. Vì vậy biểu hiện mơ hồ, chỉ khi thay đổi hình dạng ngực, căng cứng hoặc viêm nhiễm gây đau thì chị em mới kiểm tra và phát hiện được biến chứng này.
Nhưng với tiến bộ không ngừng cải thiện chất lượng vỏ bao và thành phần thì việc nứt vỡ là không dễ gặp. Tuy nhiên trong tình huống túi ngực được đặt quá lâu, hình thành bao xơ xung quanh gây co bóp, biến dạng, tạo nếp gấp trên mặt túi. Về lâu dài, ảnh hưởng độ bền chắc của vỏ bao làm nứt rách gây ra hiện tượng trên.
Còn nếu chẳng may bị đâm thủng túi ngực do tai nạn, sinh thiết mô vú, hoặc thao tác phẫu thuật thô bạo vùng này cũng có thể là nguyên nhân gây rách, thủng. Chị em nên hết sức thận trọng.
Cách phòng tránh: Phát hiện sớm, kịp thời các thay đổi căng cứng, biến dạng ngực, viêm đau để báo cho bác sĩ kiểm tra. Tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm trước để hạn chế ổ nhiễm trùng, sau đó mới mổ và thay thế túi ngực an toàn, bền chắc hơn.
Cái gì cũng có hai mặt lợi hại, được mất đi kèm. Sau khi bóc trần sự thật về những biến chứng gần, xa có thể xảy ra sau phẫu thuật nâng ngực, xin hãy cân nhắc và sáng suốt trong lựa chọn. Làm đẹp nhưng phải đi đôi với an toàn, chị em nên hết sức thận trọng và tuân thủ chăm sóc ngực, vận động hợp lý để bầu ngực đẹp không trở thành nỗi nguy cho chính ta mai này.
Có thể tham khảo thêm:
- Phẫu thuật nâng ngực sa trễ – giải pháp cho vòng 1 kém săn chắc
- Hướng dẫn cách chọn túi nâng ngực phù hợp cho chị em
- Túi Ngực Có Chip Là Gì? Tìm Hiểu Ưu Và Nhược Điểm Của Túi Ngực Gắn Chip